Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính có thể gặp ở trẻ. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Vì sao trẻ em dễ mắc sốt xuất huyết?
So với người lớn, sốt xuất huyết ở trẻ em có tỷ lệ cao hơn, điều này là do trẻ chưa có ý thức phòng tránh muỗi đốt. Mặt khác do cơ thể trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên trẻ thường dễ bị nhiễm bệnh.
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Sau khi bị muỗi đốt từ 7-10 ngày, trẻ bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, đau mỏi người, đau khớp, tiếp theo là biểu hiện sốt. Nhiệt độ thường tăng nhanh lên 39-40 độ C, kèm theo có các biểu hiện đau đầu vùng trán hoặc sau hố mắt, chán ăn, nôn, buồn nôn và đầy bụng. Trẻ bị sốt liên tục, kéo dài khoảng 2-7 ngày.

Khi bị sốt xuất huyết, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao đột ngột, sau đó xuất hiện các nốt xuất huyết trên da
Sau khi sốt 2-3 ngày, trên da trẻ có ban xuất huyết dưới dạng chấm, nốt trên da. Nặng hơn là các mảng bầm tím trên da hoặc xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn và đi ngoài ra máu.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa bé tới ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ.
>> Tìm hiểu: Sốt xuất huyết và những điều cần biết
Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Các trường hợp trẻ sốt xuất huyết nhẹ đều có thể điều trị ngoại trú và khám lại đầy đủ theo đúng hẹn. Cần chú ý chăm sóc trẻ theo đúng chỉ định của bác sĩ:
Nếu bệnh nhân sốt cao trên 39 độ C, uống thuốc hạ nhiệt paracetamol theo chỉ dẫn của bác sĩ, nới lỏng quần áo, lau mát. Chú ý không được uống paracetamol quá liều, không được dùng aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Cha mẹ cần cho trẻ uống bù nước đúng cách bằng nước lọc, dung dịch oresol, nước sôi để nguội hoặc nước trái cây, cháo loãng…
Nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ. Không nên dùng thực phẩm hoặc thuốc có màu sẫm ( như nước Coca, Pepsi… tránh trường hợp nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa).
Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động trong giai đoạn có sốt.
Trong trường hợp trẻ không uống được nước do nôn quá nhiều, li bì nhiều, cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
>> Đọc thêm: Sốt xuất huyết lây qua đường nào
Biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ
Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh nên các bậc cha mẹ cần chủ động bảo vệ trẻ bằng nhiều cách như:
- Phòng tránh muỗi đốt: Cho bé mặc quần áo dài tay, mắc màn khi ngủ ban ngày lẫn ban đêm. Dùng các biện pháp diệt muỗi như sử dụng bình xịt, thắp nhang muỗi, vợt muỗi…
- Tránh cho trẻ tới chơi ở những khu vực tối tăm, nhiều cây lá um tùm. Nên cho bé chơi trong không gian sạch sẽ, thoáng đãng, nhiều ánh sáng.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy/loăng quăng bằng cách đậy kín và thả cá ăn bọ gậy tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt. Thường xuyên thay nước, thay rửa chum, vại, lu. Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến… Phát quang bụi rậm, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát.
- Theo dõi trẻ hàng ngày để kịp thời phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết ngay từ giai đoạn mới khởi phát để điều trị kịp thời. Tránh để lâu bệnh diễn tiến phức tạp và gây biến chứng nguy hiểm.
>> Xem thêm: Sốt xuất huyết có biểu hiện gì